5 lời khuyên cho dân văn phòng làm freelance

5 lời khuyên cho dân văn phòng làm freelance

Làm các dự án freelance song song với công việc chính thức có thể giúp bạn tăng thêm thu nhập, nhưng đồng thời cũng sẽ khiến bạn vô cùng bận rộn.

Hãy dành một chút thời gian để nghĩ về hai trở ngại mà hầu hết chúng ta phải đối mặt trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay: lạm phát và không việc làm ổn định. Đây là lý do khiến nhiều người dù đã có công việc full-time nhưng vẫn tìm kiếm công việc làm thêm trong thời gian rảnh.

Câu hỏi đặt ra là “Làm sao chúng ta có thể quản lý đồng thời công việc chính thức và công việc freelance?”. Nhiều người lao vào giới freelancer mà không hề có một kế hoạch hợp lý để rồi sau đó không thể định hướng được công việc này rồi sẽ đi về đâu. Họ buông thả, nộp những dự án được làm một cách sơ sài, hoặc không hoàn thành công việc trong thời gian thỏa thuận.

img_1993_vljq

 

Tất cả các vấn đề kể trên đều dẫn đến những tranh cãi ngoài mong muốn với khách hàng và kéo theo đó dĩ nhiên là ấn tượng ko tốt của họ về bạn. Đó là lý do chúng tôi muốn chia sẻ những định hướng hợp lý nhằm giúp các bạn quản lý công việc của mình một cách hiệu quả.

1. Quản lý thời gian

Cho dù ý tưởng về việc trở thành một freelancer có vẻ rất hợp lý và nhẹ nhàng nhưng đó hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Nếu bạn hỏi bất kỳ một freelancer nào về những trải nghiệm của họ, họ sẽ nói rằng rất khó để sắp xếp công việc hiệu quả nếu không quản lý thời gian một cách chặt chẽ, khiến mọi thứ sẽ rối tung lên.

Nếu bạn không dự tính thời gian cần thiết để hoàn tất từng phần việc, bạn sẽ không bao giờ biết chính xác khi nào nên bắt đầu làm việc sao cho kịp tiến độ mỗi ngày. Và điều đó sẽ tiếp tục kéo dài đến hôm sau và những ngày sau đó nữa khiến năng suất làm việc giảm sút và gây thêm stress cho bạn.

Bạn có thể làm gì?

Hãy biết chọn lựa thời gian làm việc nào phù hợp nhất với bạn và lên lịch một cách cụ thể giờ bắt đầu, kết thúc cũng như số lần nghỉ giải lao. Chẳng hạn như nếu bạn cần một chút thời gian để nạp lại năng lượng sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn có thể bắt đầu làm việc vào khoảng 9h tối (sau khi đã nghỉ ngơi và giải trí một lúc) và chỉ cần khoảng 3 tiếng làm việc với 5 đến 10 phút giải lao để hoàn tất phần việc trong ngày. Việc tuân thủ lịch trình một cách tuyệt đối sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn với cả hai công việc của mình.

2. Không “lướt web” khi làm việc

Nhiều người trong chúng ta dành quá nhiều thời gian để lên mạng, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Khi làm việc tại nhà, bạn tự do làm những gì bạn muốn, bất cứ khi nào và trong bao lâu tùy thích, không như tại công sở bạn phải hoàn thành công việc kịp tiến độ theo yêu cầu của sếp.

jobsign-3

 

Rõ ràng chúng ta biết việc lướt web làm giảm năng suất công việc, nhưng vẫn không thể cưỡng lại được. Và điều này cần được cải thiện.

Bạn có thể làm gì?

Bạn có thể thử sử dụng một số ứng dụng chống xao nhãng khá phổ biến hiện nay. Nếu bạn là người nghiện mạng xã hội, hãy thử ứng dụng Anti-Social với chức năng chặn 30 mạng xã hội thông dụng nhất như Facebook, Twitter, Tumblr, Pinterest… Một vài ứng dụng khác như Limitless, Stay Focus, Focus booster, Concentrate hay LeechBlock cũng là những công cụ hữu ích để theo dõi tiến độ cũng như hạn chế sự xao nhãng khi làm việc.

3. Đừng nhận nhiều việc hơn bạn có thể làm

Lý do chính mà bạn nhận việc làm thêm có thể là bởi bạn đang cần thêm thu nhập, nhưng đừng để “Tham thực, cực thân”. Nếu bạn nhận nhiều việc freelance hơn bạn có thể sắp xếp, điều đó có thể ảnh hưởng xấu đến cả công việc chính thức của bạn để rồi thay vì làm được nhiều việc, bạn sẽ chỉ thêm mệt mỏi.

Khi nhận việc, bạn hãy tính toán một cách thực tế. Hãy luôn nhớ rằng bạn đã có đủ thứ phải lo với công việc chính thức và các trách nhiệm khác.

Bạn có thể làm gì?

Nếu bạn chỉ có thể sắp xếp được 3 tiếng để làm thêm mỗi tối, hãy luôn cân nhắc điều đó trước khi nhận một dự án đòi hỏi nhiều thời gian hơn bạn có thể xoay xở.

Hoàn toàn không có gì xấu khi đôi lúc nói “không” với khách hàng. Nếu bạn giải thích rằng thời gian không cho phép, chắc chắn họ sẽ hiểu cho bạn. Sẽ tốt hơn nếu ta biết giới hạn của bản thân mình.

4. Liên lạc qua Email

Đôi khi, ngoài việc trao đổi trực tiếp qua điện thoại, bạn cũng sẽ cần liên lạc với khách hàng của bạn qua email.

featured-image-1

 

Email hoặc Instant Message là những phương thức liên lạc vô cùng tiện lợi, nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, bạn có thể xem lại các tin nhắn cũ trong trường hợp xảy ra bất đồng hay tranh chấp. Giấy trắng mực đen luôn luôn thuyết phục hơn “Anh đã bảo rằng” hay “Anh đã đã hứa rằng”.

Hơn nữa, bạn không cần đợi đến khi khách hàng “rảnh” để có thể trao đổi công việc, đặc biệt là khi hai người không làm việc trên cùng một múi giờ.

Bạn có thể làm gì?

Hãy yêu cầu khách hàng email cho bạn khi họ có thắc mắc hay cần thêm chi tiết về một ý tưởng nào đó, hoặc đơn giản là khi họ muốn phản hồi công việc cho bạn.

Bạn có thể cũng sẽ muốn tập thói quen quản lý hộp thư điện tử của mình để không phải tốn thời gian lục lọi qua từng dòng history để tìm một tin nhắn từ hàng tháng trước khi cần.

5. Làm việc ngày cuối tuần

Khi còn đi học, các tiết học trên lớp, những cuộc đi chơi và các công việc khác gần như chiếm toàn bộ thời gian trong tuần của chúng ta. Bởi thế nên cuối tuần luôn là dịp tốt để hoàn thành các projects và phần việc được phân công. Tương tự như vậy, công việc thường nhật thường đã ngốn hết thời gian trong tuần của bạn. Đó là lí do vì sao cuối tuần với nhiều thời gian rảnh luôn là lựa chọn hoàn hảo để làm việc freelance.

Bạn có thể làm gì?

Hãy để dành những dự án lớn và đòi hòi khắt khe nhất để làm vào cuối tuần khi bạn có thể tự do làm việc ban ngày (khi đa số chúng ta cảm thấy tỉnh táo và khỏe khoắn).

Nếu bạn lo rằng sẽ không có thời gian cho các mối quan hệ xã hội của mình, bạn có thể chọn giữa việc kiếm thêm một khoản thu nhập hay có thêm vài giờ để “giao tiếp”. Lựa chọn là ở bạn.

Kết

Bên cạnh việc tăng cường thu nhập, làm việc freelance còn cho phép bạn học hỏi thêm nhiều kĩ năng cũng như kiến thức trong các lĩnh vực khác nhau. Chắc chắn rằng phải tốn rất nhiều công sức, sự cố gắng cũng như thời gian để có thể trở thành một freelancer thành công nhưng khi cầm trên tay số tiền kiếm được từ những dự án freelance của mình, bạn sẽ cảm thấy tất cả những gì mình đã bỏ ra thật xứng đáng.